image banner
Giải pháp giúp người chăn nuôi Giao Long vượt qua khó khăn
Giao Long là địa phương có thế mạnh về chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi thủy cầm. Từ năm 2012,  sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, ở những diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi thành khu vực chăn nuôi kết hợp. Qua thời gian triển khai, khu vực chuyển đổi đã phát triển thành những trang trại chăn nuôi tập trung với 150 hộ dân. Nhưng trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, giá cả của các sản phẩm ngành chăn nuôi xuống thấp gây nhiều khó khăn đối với người chăn nuôi. Mặc dù vậy, chủ hộ chăn nuôi vẫn chủ động khắc phục để tiếp tục bám nghề hoặc chuyển đổi con nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình.

Đến nay, xã Giao Long có 111 ha diện tích đất chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang làm trang trại chăn nuôi kết hợp. Trong đó, có 86 ha diện tích được đào ao nuôi cá nước ngọt, diện tích còn lại xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, bò, vịt,... Hiện nay, toàn xã có trên 5.000 con lợn, 45.000 con gia cầm các loại. Do thời điểm này, giá thịt lợn hơi, gia cầm, trứng đều giảm mạnh nên người chăn nuôi trong xã đang chững lại, giảm đàn. So với trước đây giá thịt lợn hơi ở mức 50.000/kg thì thời điểm này chỉ còn 30.000 – 32.000/kg. Nhưng không vì thế mà người dân bỏ bê sản xuất. Trong khi giá thịt lợn hơi và gia cầm giảm, những hộ chăn nuôi ở đây lại chú trọng đẩy mạnh nuôi cá nước ngọt xen canh nuôi tôm, kết hợp nuôi các loại cá có giá trị thương phẩm cao như cá nheo, cá diêu hồng, cá chuối. Điển hình như gia đình ông Phạm Văn Lực, ở xóm 10 với diện tích gần 1ha ông đào 2 ao thả cá và hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, bò, vịt,... Với 2 ao nuôi có tổng diện tích mặt nước gần 2.000m2, ông nuôi thả 3.000 con cá diêu hồng, cá chim, cá trắm và xen canh nuôi tôm. Thức ăn cho cá và tôm được gia đình ông tận dụng từ nguồn thức ăn thừa và các phụ phẩm của lợn và gia cầm. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được gần 2,5 tấn cá diêu hồng và trên 5 tạ cá trắm. Với phương châm phát triển bền vững, lâu dài, ông Lực không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như cải tạo, nâng cấp chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh. Nhưng thời điểm hiện nay, ông vẫn đang cầm chừng chờ thời cơ để tăng đàn.

Ông Phạm Văn Lực, xóm 10 xã Giao Long đang chăm sóc ao cá nuôi xen canh tôm.
  
      Chính vì vậy, về lâu dài, cấp ủy và chính quyền địa phương cần có hướng phát triển cùng người nông dân hình thành liên minh để xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, góp phần tăng giá trị chăn nuôi và ổn định thị trường, đồng thời để dễ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý. Nhưng trước mắt, chính quyền địa phương cần có giải pháp kịp thời động viên người chăn nuôi, đồng thời cần có mối liên kết, gắn bó cùng nhau tìm kiếm các thị trường mới nhằm tháo gỡ khó khăn và có hướng phát triển cho người chăn nuôi. 
 Nhưng, giải pháp dài hơi mà ngành chăn nuôi xã Giao Long cần hướng tới đó là cần tuân thủ theo quy hoạch gắn với thị trường, tiềm lực mà không tăng quy mô bằng mọi giá, xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo hình thức liên kết, vừa tạo tiềm lực, vừa tăng cao chất lượng nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm khi xuất ra thị trường. Thực tế cho thấy, hiện nay chăn nuôi chủ yếu theo kiểu tự phát, giá cao thì tăng đàn ồ ạt dẫn đến giá con giống tăng. Giá thấp thì giảm đàn dẫn đến khủng hoảng thiếu nguồn cung mà không có sản phẩm để bán. Câu chuyện về cung cầu vẫn đặt ra nhiều vấn đề phải bàn. Do đó, trong thời gian tới, nhằm tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường, đáp ứng cơ bản các thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng và nâng cao thu nhập của người nông dân, gắn phát triển chăn nuôi với xây dựng nông thôn mới, xã Giao Long đã xây dựng các giải pháp là tái cơ cấu phương thức tổ chức sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn, tái cơ cấu vật nuôi, khuyến khích phát triển những loại con nuôi vốn là thế mạnh của địa phương, hướng tới sản xuất hàng hóa và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nhằm đáp ứng mong muốn và nguyện vọng chính đáng của người dân vốn chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính.
     Hy vọng rằng, với sự cần cù lao động của người chăn nuôi, sự quan tâm chỉ đạo có giải pháp dài hơi của chính quyền địa phương, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi ở xã Giao Long sẽ phát triển bền vững hơn. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo cho bà con sự yên tâm để tiếp tục gắn bó với sản xuất./.

                                                                             Nguyễn Tâm
                                                                              Đài phát thanh Giao Thủy
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1