image banner
Giao Long xóa bỏ tục lệ làm cỗ lấy phần và ăn cỗ lấy phần
Tục lệ ăn cỗ lấy phần đã trở thành tiền lệ từ nhiều năm nay ở nhiều địa phương, chứ không riêng tại địa bàn huyện Giao thủy. Mặc dù đây chỉ là cái lệ do con người tự đặt ra, song đến nay nó không còn phù hợp với xã hội văn minh hiện đại. Với sự chỉ đạo của các cấp các ngành, đến nay tại một số địa phương trong huyện đã triển khai thực hiện quy chế về xây dựng hương ước phù hợp với với xu thế xã hội được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tại xã Giao long sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” mặc dù xã Giao long đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng trên lĩnh vực văn hóa; tư tưởng đạo đức, lối sống, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, trong thời gian qua vẫn còn tồn đọng việc làm cỗ lấy phần và đi ăn cỗ lấy phần. Những điểm còn tồn đọng ấy đang được cấp ủy và chính quyền và nhân dân xã Giao Long cùng vào cuộc với quyết tâm xóa bỏ những tục lệ lạc hậu, tạo nét đẹp văn hóa ở làng quê nơi chân sóng.

         Không biết tự bao giờ trong các đám hỷ, đám hiếu, mừng tân gia tại xã Giao Long còn nặng về hình thức, ăn uống linh đình, đáng kể ở đây là tục làm cỗ, ăn cỗ lấy phần, tạo dư luận không tốt trong nhân dân vì ăn uống nhiều vừa tốn kém, lãng phí vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh, gây ngộ độc thực phẩm đông người ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy việc làm cỗ ở nơi đây từ năm 2015 đổ về trước vẫn nặng về hình thức “trả nợ miệng”,“ăn sang ăn giả”, phải làm to, làm hoành tráng thì mới có tiếng.

Gặp gỡ người dân nơi đây, được biết theo “lệ” cũ thì trong đám hỷ, đám hiếu, mừng tân gia, gia chủ tổ chức từ 100 - 150 mâm cỗ, mỗi đám giết từ 3 - 5 con lợn và khoảng từ 150 - đến gần 300 kg giò nạc, trung bình mỗi mâm cỗ tại xã Giao Long thường đặt 6 khoanh giò nạc tương đương khoảng 1,5 kg kèm theo đó đủ món vừa để ăn tại chỗ, vừa phải có món để “gói phần” mang về. Như vậy, trên mỗi mâm cỗ thường có từ 10 – 12 đĩa. Có thể nói, tục lệ làm cỗ lấy phần, gây tốn kém cho gia chủ, bởi ngay cả với gia đình có kinh tế khá giả đã là cả một nỗi lo, chứ chưa nói đến những gia đình kinh tế khó khăn. Và cứ như vậy, nhiều gia đình cứ theo nhau phải làm cỗ sao cho to mới toại nguyện.

Nhận thấy sự bất cập đó, năm 2016  UBND xã Giao Long đã xây dựng quy chế  thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội đặc biệt là việc tổ chức ăn uống trong đám hiếu, đám hỷ trên địa bàn xã. Quy chế đã thông qua 22 xóm để lấy ý kiến của cán bộ, nhân dân và đa số người dân đều nhất trí và đồng tình ủng hộ. Sau khi chủ trương được họp bàn và thống nhất thông qua ngày mùng 1 tháng 9 năm 2016, UBND xã đã ra Quyết định ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn hóa trong việc tổ chức ăn uống trong đám hiếu, đám hỷ trên địa bàn xã nhất là quy định trong quy chế “Làm cỗ đủ ăn, không “làm cỗ lấy phần” và không “lấy phần” tuyệt đối, trên mâm cỗ không đặt các loại túi để đựng phần và cũng không dùng thuốc lá để tiếp khách. 
 Quy chế “Làm cỗ đủ ăn, không “làm cỗ lấy phần” và không “lấy phần” được nhân dân đồng tình ủng hộ, chính vì vậy với vai trò của cấp ủy xóm đội, các đồng chí Bí thư chi bộ, xóm đội trưởng đã trực tiếp đến các gia đình có đám tiếp tục tuyên truyền quy chế nếp sống văn hóa mới để gia đình hiểu và thực hiện đúng quy chế. Xóm 9 xã Giao Long là đơn vị đi đầu trong quy chế “Làm cỗ đủ ăn, không “làm cỗ lấy phần”.

                                                                   Ông Trần Hữu Nhạc - Phó chủ tịch UBND xã Giao Long đến chúc phúc cho đôi bạn trẻ

Đến nay, sau khi quy chế “vào cuộc sống” các hộ dân Giao Long đều ý thức thực hiện, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới. Ông Nguyễn Văn Bắc ở xóm 9 xã Giao Long tổ chức đám cưới cho con trai; Đám cưới này là đám cưới mở đầu cho quy chế mới, có người dân trong xóm còn nói vui có lẽ phải gọi đây là cuộc “cách mạng”; đánh đổ tư tưởng lạc hậu cố hữu. Ai cũng nhận ra nhưng chưa dám phá lệ nếu chưa có người làm trước như gia đình ông bà Nguyễn Văn Bắc. Chính vì vậy mà các đồng chí lãnh đạo cùng các tổ chức đoàn thể của xã đã xuống tận nơi để động viên, chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ, nhưng hơn hết thông qua đó việc tuyên truyền mới trở nên hiệu quả, được người dân xóm 9 đồng tình nhất trí cao. Ông Nguyễn văn Bắc là người tổ chức tiệc cưới cho con trai chia sẻ: “So với cách đây 3 năm, gia đình tôi đã tổ chức cho cháu trai nhưng đến nay có quy chế mới ra thì khi tổ chức đám cưới cho cháu gái gia đình tôi đã giảm được số đĩa và lượng thức ăn trên mâm cỗ với số tiền giảm được 200 nghìn đồng mỗi mâm.”

Đến dự tiệc cưới đa số người dân trong xóm đều bày tỏ niềm vui mừng khi được dự một đám cưới theo quy chế nếp sống văn hóa mới “Làm cỗ đủ ăn, không“làm cỗ lấy phần” và đi ăn cỗ không “lấy phần” vừa giảm chi phí cho gia chủ, tạo được nét đẹp văn hóa mới trong đời sống xã hội. Nói cụ thể về vấn đề này, Bà Trần Thị Hoài - Xóm 8 xã Giao Long tâm sự: “Trước đây đi đám cưới, đám mừng nhà mới thì chúng tôi đi khoảng 300 nghìn đồng/đám, nay thực hiện nếp sống văn hóa mới chúng tôi rút xuống còn 200 nghìn thôi, do đó cũng đỡ đi phần nào trong chi phí sinh hoạt của gia đình.”

Theo chia sẻ của người dân xã Giao Long: “Việc tổ chức đám hiếu, đám hỷ, m tân gia đơn giản, gọn nhẹ như vậy không chỉ giúp cho gia đình đỡ vất vả và tốn kém, mà còn tiết kiệm hơn cho bà con, bạn bè. Và sau mỗi đám, gia chủ không phải nai lưng ra để trả nợ, đồng nghĩa với đó thì làng xóm, bạn bè cũng không phải lo ngay ngáy mỗi khi nghe tin nhà ai lại sắp có đám khi chủ trương này thực hiện có nề nếp và chắc chắn trong thời gian không xa, nếp sống văn hóa mới mang đến nhiều điều ý nghĩa này sẽ được nhân rộng trên địa bàn xã Giao Long cũng như các địa phương khác trong huyện./.

                                          Hoàng Mai

                                   Đài phát thanh huyện Giao Thủy

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1